Tìm hiểu Data Modeling trong Power BI
Trong bài viết trước đó, chúng ta đã có cái nhìn tổng quan về các nguồn dữ liệu mà Power BI hỗ trợ. Bây giờ, hãy cùng mở rộng thêm và khám phá sâu hơn về quá trình mô hình hóa dữ liệu trong Power BI. Mô hình hóa dữ liệu là một phần quan trọng trong quá trình xây dựng báo cáo và trực quan hóa thông tin.
Trong chuyên mục Power BI, mình xin phép giữ nguyên thuật ngữ "Data modeling" thay cho mô hình hóa dữ liệu vì mình hay dùng từ này thường xuyên.
Làm quen với Data modeling
Data modeling là một trong những tính năng được sử dụng để kết nối nhiều nguồn dữ liệu trong các công cụ BI hiện nay bằng cách định nghĩa và khai thác các mối quan hệ giữa các loại dữ liệu. Mối quan hệ là khái niệm để chỉ việc xác định cách mà các nguồn dữ liệu kết nối với nhau và bạn có thể tạo ra các trực quan hóa dữ liệu.
Với tính năng data modeling này, bạn có thể xây dựng các tính toán tùy chỉnh trên các bảng hiện có và các cột này có thể được trực tiếp thể hiện trong các trực quan hóa của Power BI. Điều này cho phép chúng ta xác định các chỉ số mới và thực hiện các tính toán tùy chỉnh cho những chỉ số đó.
Trong hình trên, bạn có thể thấy một data model phổ biến hiện nay, thể hiện mối quan hệ giữa hai bảng là "Danh sách học viên" và "Học viên và Môn học", Cả hai bảng này liên kết với nhau thông qua cột "MaSoHV".
Tương tự, trong Power BI, bạn có thể thiết lập mối quan hệ giữa hai đối tượng. Để làm được điều này, bạn cần kéo một đường từ các cột chung của bảng thứ nhất và thả sang các cột tương ứng của bảng còn lại. Bạn cũng có thể xem các mối quan hệ dữ liệu bằng cách truy cấp đến tab "Relationship" trên thanh điều hướng của Power BI.
Lưu ý:
Để tạo được mô hình dữ liệu trong Power BI, bạn cần thêm tất cả các nguồn dữ liệu vào trong Power BI.
Để thêm nguồn dữ liệu, chọn tùy chọn Get data. Sau đó, chọn nguồn dữ liệu bạn muốn kết nối nằm trong danh sách nguồn dữ liệu mà Power BI hỗ trợ.
Khi bạn thêm một nguồn dữ liệu vào Power Bi, nó sẽ được trình bày ở thanh Data bên phải màn hình. Trong bài viết này, mình chỉ sử dụng 1 tập tin Excel để import vào nhưng chứa hai sheet dữ liệu là DanhSachHocVien và HocVienMonHoc.
Sử dụng thanh điều hướng trong Power BI
Trong Power BI, thanh điều hướng được đặt bên trái màn hình làm việc, gồm 3 tab chính:
- Report
- Data
- Relationship
Khi bạn chuyển đến tab Report, đây là khu vực để bạn thiết kế báo cáo của mình. Bạn có thể thấy một danh sách các biểu đồ để bạn lựa chọn phục vụ trực quan hóa dữ liệu của mình. Từ danh sách đó, bạn có thể chọn các loại biểu đồ khác nhau theo nhu cầu của mình.
Khi chuyển đến tab Data, bạn có thể xem tất cả dữ liệu từ các nguồn dữ liệu mà bạn đã thêm vào.
Trong tab Relationship, bạn có thể thấy mối quan hệ giữa các nguồn dữ liệu. Khi bạn thêm nhiều nguồn dữ liệu data modeling trong Power BI, công cụ sẽ cố gắng phát hiện mối quan hệ giữa các bảng dữ liệu một cách tự động. Bạn cũng có thể tạo mối quan hệ giữa các cột bằng cách sử dụng tùy chọn Create Relationships.
Bình luận